Giới thiệu sách ĐẠI HỌC của Nguyễn Xuân Xanh

Chức năng quan trọng nhất của các trí thức Nhật Bản là đã truyền được tri thức của thế giới phương Tây vào Nhật Bản.

Nagai Michio
Giáo sư, nhà nghiên cứu, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản

Chỉ có ai mang trong mình ý niệm đại học, người đó mới có thể tư duy và hành động đúng theo sự việc cho đại học. Ai không như thế, người ấy chỉ nhìn thấy một bộ máy… Bộ máy này được cải trang bằng những lời lẽ hùng hồn truyền thống.

Karl Jaspers
Bác sĩ tâm thần học, nhà triết học  và giáo dục đại học Đức

Thế hệ chúng ta thừa hưởng di sản được truyền lại bởi thế hệ trước. Chúng ta thường biết nhiều hơn, không phải vì chúng ta đã tiến lên bằng năng lực tự nhiên của chúng ta, mà bởi vì chúng ta được nâng đỡ bởi sức mạnh tinh thần của những người khác, và sở hữu tài sản được thừa hưởng từ ông cha ta. Bernard ở Chartres thường so sánh chúng ta với những người lùn bé bỏng được đặt trên vai những người khổng lồ. Ông chỉ ra rằng chúng ta nhìn thấy nhiều hơn và xa hơn những người đi trước chúng ta, không phải vì chúng ta có tầm nhìn sắc sảo hay chiều cao lớn hơn, mà bởi vì chúng ta đã được nâng lên và đứng cao trên tầm vóc khổng lồ của họ.

John ở Salisbury

nhà triết học và giáo dục, linh mục Anh ở nhà thờ Chartres, Pháp (1176), trong tác phẩm Metalogicon bảo vệ giáo dục khai phóng

[1]

Đại học là một định chế giáo dục cao bền vững phát triển tri thức của châu Âu Kitô giáo Trung cổ, một hiện tượng rất đặc thù không nền văn minh nào khác có, đánh dấu sự thức tỉnh tinh thần của một nền văn minh mới của thế giới sau đêm dài một nghìn năm vắng bóng học thuật. Đại học tiếp nối truyền thống trí thức Hy Lạp cổ đại, đưa tư duy lôgic, khoa học sáng sủa trở lại con người một cách hệ thống và, một cách không ý thức, làm bệ phóng tinh thần cho khoa học hiện đại phát triển. Đại học Trung cổ, rồi Đại học Đức thế kỷ 19, là những innovation then chốt của lịch sử có tác động quyết liệt lên sự định hình nền văn minh phương Tây và thế giới.

Đại học mang trong mình dòng máu khoa học như lẽ sinh tồn. Không có khoa học, lý tính, không thể có đại học và xã hội phát triển như ở các nền văn minh khác, ngay cả châu Âu cũng có nguy cơ trở thành ‘châu Á’, như Nietzsche và Max Weber từng nhận định.

Trong ba loại quyền: Vương quyền, Thần quyền và Trí quyền, thì Vương quyền ngày nay đã sụp đổ, thần quyền không còn ảnh hưởng như một nghìn năm trước nữa, trong khi đó Trí quyền, mà đại học là biểu tượng, không ngừng ngày càng phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Các đại học là những định chế do con người tạo ra tồn tại lâu nhất, trừ nhà thờ. “Chúng đã tồn tại kinh qua sự hình thành và suy tàn của nhiều triều đại, quốc hội, và hiến pháp; chúng đã chứng kiến tất cả các xã hội được rèn đúc lại từ nền tảng, và tất cả các phương pháp thương mại và chiến tranh đã được thay đổi sâu sắc” (Charles W. Eliot).

Đại học đã “nhập vai” nhà giáo dục khai phóng và người làm giàu cho xã hội. Đại học là universitas, sự tập hợp tự nguyện của thầy và trò để phát triển tri thức cao, hoạt động độc lập và tự chủ như “phường hội” nghề nghiệp. Họ tự quản và tự đặt ra tiêu chuẩn, điều chỉnh và cập nhật hóa khi có những phát triển mới. Sự thăng tiến hàn lâm hoàn toàn dựa trên năng lực cạnh tranh được các bậc thầy công nhận, không có sự can thiệp từ ngoài. Người sinh viên có nhiều chọn lựa thầy, vì có nhiều thầy cùng dạy một môn, cũng như tự tìm đại học mình thích. Một đại học có thể có hàng nghìn sinh viên, như Đại học Paris từng có 6.000 sinh viên năm 1300, và có thể có đến hàng trăm bậc thầy sống chung trong một cộng đồng trí thức tự chủ được nhiều ưu đãi. Cộng đồng trí thức này độc lập nhiều hơn với áp lực của xã hội so với các cá nhân phục vụ cho nhà thờ hay nhà nước. Tên tuổi và uy tín của một vị giáo sư giảng dạy trong một cộng đồng lớn giờ đây nổi lên cao ngất so với tên tuổi của một vị giáo sư chỉ giảng dạy vài ba sinh viên. Họ xuất hiện như những vị “anh hùng” mới của xã hội, và qua đại học được mài dũa thành những viên ngọc sáng. Phường hội nghề nghiệp lúc bấy giờ là những hiệp hội sản xuất đầu tiên có tính chất tự quản, hưởng được các tự do đoàn thể, và bảo vệ lẫn nhau, cố gắng thoát ra khỏi sự lệ thuộc của các quyền lực chính trị hay tôn giáo. Đó là những tiến bộ to lớn của lịch sử. Trong mạch đó, tri thức có thể được xem là những “hàng hóa” cao cấp có thể lưu hành và trao đổi trong xã hội phục vụ xã hội đang lên.

Không thể giải thích nền văn minh phương Tây mà không giải mã được vai trò của đại học và ảnh hưởng của nó. Cũng như không ai có thể xây dựng được một quốc gia giàu mạnh mà không có hệ thống đại học phát triển − một chân lý đã trở thành hiển nhiên. Đại học Đức thế kỷ 19, và Đại học Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ 20 minh họa sáng chói nhất. Nếu người ngoài hành tinh đến thăm trái đất mà muốn biết đâu là đầu não của trí tuệ của một quốc gia, họ nên đến các đại học trước tiên.

Đại học đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, không phải không có. Sự tập trung duy nhất vào những nhu cầu trước mắt, hay chủ nghĩa kinh viện, hay những sự can thiệp của quyền lực bên ngoài, tôn giáo hay chính trị, đều bóp méo sự phát triển đại học, bóp nghẹt ngọn lửa của sáng tạo con người, khiến nó trở thành công cụ của quyền lực, hơn là đại học theo đúng nghĩa để phục vụ quốc gia. Không phải “Sự vô minh là sức mạnh”, mà sự Khai sáng mới là sức mạnh. Các đại học Trung cổ sinh ra cũng với mục đích đó: khai sáng và văn minh.

Làm sao không thể có một quyển sách Đại học, khi nó xuất hiện ngay khi đêm dài Trung cổ chấm dứt để nâng cao trình độ trí thức và cách tư duy lý tính, dạy sinh viên biết nhìn xa trông rộng, và thấm nhuần tinh thần học thuật khai phóng, biết tranh luận, có tư duy phản biện, cũng như nó góp phần cung cấp nhân sự cao cấp cho nhà thờ cũng như nhà nước? Có thể nào xây dựng lại châu Âu trong sự vô minh? Có thể nào tôn giáo thiếu đi lý tính? Có thể nào con người làm ngơ trước bản chất cao quý và tiềm năng trí tuệ vô cùng tận của con người mà Chúa đã ban tặng? Hiểu biết những quy luật trời đất cũng là hiểu những tác phẩm của Chúa, và vì thế tiến gần đến Chúa để nhận ra Chúa nhiều hơn. Tại sao có một tôn giáo muốn lấy lý tính từ di sản khoa học của Hy Lạp cổ đại ngoại đạo để củng cố sự hiểu biết về Chúa? Đó là những nét hết sức kỳ thú.

[2]

Giáo dục khai phóng của đại học, gồm 7 môn học cơ bản (ba môn văn phạm, hùng biện, logic của Trivium, và bốn môn số học, hình học, âm nhạc, thiên văn gọi là Quadrivium), là bước chuẩn bị cho sự học cao như thần học, y học và luật học. Nhưng trên hết nó giúp con người trở thành con người, vượt lên khỏi đời thường, biết ngẩng nhìn lên thế giới rộng lớn hơn như cái nôi đích thực của mình, và nếu trở thành một chuyên gia về nghề nghiệp, anh ta sẽ vẫn làm những gì tốt đẹp nhất để vẫn là con người. Hình ảnh lớn lao của thế giới trong tâm thức anh sẽ giúp anh tránh được những hành động thấp kém. Khai phóng (liberal) là vì nó làm con người trở thành con người tự do (liber), hiểu biết thế giới và nguồn gốc cao quý của mình. Người sinh viên trước nhất không nhắm đến nghề nghiệp nhất định, không phải học để làm quan, mà học để làm người tốt, biết tư duy và nhận thức.

Giáo dục khai phóng rèn luyện tính khoa học và độc lập trong tư duy, hai tính chất mà Fukuzawa nhận ra là đặc thù của phương Tây, và thiếu vắng ở phương Đông Khổng giáo. Giáo dục Trung cổ đã phát triển tinh thần học thuật ngay từ buổi đầu của nó, các giáo sĩ không còn độc quyền là những nhà thông thái duy nhất nữa. Tri thức được thế tục hóa, trở thành tài sản chung của xã hội. Đại học dân chủ hóa xã hội, tạo ra một “giai cấp quý tộc tri thức” mới. Với nền đại học Trung cổ, châu Âu đã thiết lập được nền văn hóa kinh viện (scholastic culture), tức học thuật, lôgic nghiêm ngặt, làm thành truyền thống cho nền học thuật bền vững của phương Tây. Các môn học khai phóng nhằm “phục hồi hình ảnh Chúa trong chúng ta” (Hugh ở Saint Victor). Sự nhận thức trật tự của tự nhiên thông qua khoa học có tác dụng nâng cao hiểu biết của con người về sự sáng tạo của Chúa, và không hề làm giảm nhẹ quyền năng tuyệt đối của ngài, như Aquinas nói. Ông nhắc lại lời của Paolô: “những sự vật vô hình được nhìn thấy rõ … ở những thứ được làm ra.” Khoa học thực nghiệm do đó cũng không thể thiếu để nhận thức về Chúa.

Từ nửa sau thế kỷ 13, ảnh hưởng của Aristotle là bao trùm. Sinh viên đều phải phải đọc những ngành siêu hình học, vũ trụ học, vật lý, tâm lý học, khí tượng học, và lịch sử tự nhiên cùng với các văn bản bình luận cho nên khi tốt nghiệp họ đều nắm vững triết học tự nhiên. Bầu trời, vũ trụ được xem là tác phẩm của Chúa vô cùng bí ẩn đối với con người Trung cổ mà họ tò mò vô hạn để giải mã. Có thể nói tương tự như Kant: “Trên tôi bầu trời đầy sao. Trong tôi đức tin Thiên Chúa”. Từ nửa thế kỷ 12, sự tiếp cận bản dịch La tinh của các tư liệu Hy Lạp và Ả rập về thiên văn học đẩy nhanh sự phát triển của ngành này. Không có ngày nào mà không có “vô số sách và tác giả” (về thiên văn học) phục vụ cho giảng dạy.

Giáo dục khai phóng là di sản vĩ đại của Hy Lạp và La Mã, chỉ có khác, thời Hy Lạp giáo dục nhằm tạo ra các công dân tự do trong một nền dân chủ có trách nhiệm, với triết học đóng vai trò trung tâm, trong khi ở vương quốc Kitô giáo, thần học đóng vai trò chủ đạo. Tuy tôn giáo có vị trí độc tôn, “một nhà thờ, một đức tin”, nhưng giáo dục Trung cổ Kitô giáo nhằm khai phóng con người trước tiên, hiểu biết và bảo vệ đức tin theo nghĩa rộng, chứ không thuần rao giảng đức tin. Giáo dục đại học làm cho con người có óc phê phán và khám phá, và phê phán triệt để. Đại học Paris, trung tâm của thần học châu Âu, là nơi thường chứng kiến những cuộc tranh luận gay gắt nhất. Học thuật cho phép “đa dạng nhưng không thù địch”. Thần học là ngành được tôn vinh làm “nữ hoàng của các ngành khoa học” và sinh viên phải học lâu dài nhất (gồm có 7 môn khai phóng, triết học tự nhiên (khoa học), triết học đạo đức, và siêu hình học). Ngay cả các chân lý, quyền uy của quá khứ, cũng có thể bị thách thức. Paris là nơi tập trung lớn nhất học giả tên tuổi thường xuyên để tranh luận, giống như không khí của Hàn lâm viện của Platon, hay Lyceum của Aristotle, hay tại Viện bảo tàng và Thư viện Alexandria thời Hy Lạp hóa.

Đại học gặp phải sự chống đối không ít của giới bảo thủ trong nhà thờ. Một số bậc thầy có sức thu hút công chúng mạnh mẽ đã bị giới bảo thủ của nhà thờ hãm hại, như Abelard và Siger ở Brahant. Nhưng học thuật và khoa học không thể bị đẩy lùi một khi nó đã thấm vào tinh thần giới tinh hoa nhạy bén. Đại học phát triển như ngọn lửa tri thức từ từ lan tỏa và phủ kín châu Âu. Không phải chỉ có đôi ba đại học như ở Paris, Oxford, hay Bologna, mà đến năm 1500 của thời Phục Hưng châu Âu đã được phủ kín với cả trăm đại học như những trung tâm khai sáng. Thực tế, khoa học và đức tin không thể nào tách ra khỏi nhau được nữa, chính các cha nhà thờ muốn nối lại hai thứ đó, chấp nhận khoa học của Hy Lạp cổ đại ngoại đạo phát triển trong vương quốc của mình. Không thể yêu Chúa trong sự vô minh. Điều đó như nằm trong bản chất của người phương Tây.

Rồi sau sự phát triển dài Trung cổ, ma trận văn hóa Kitô giáo đạt tới sự chín mùi trên khắp các lãnh vực: tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật …, và dần dần đứng trước những thách thức. Cuộc thay nghén đã đạt đến mức các giới hạn, và những giới hạn từ nhà thờ cũng như từ chủ nghĩa Aristote cần phải được phá bỏ. Thực tế, giáo dục đại học Trung cổ là đường dẫn đến cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17, mà Galilei, Kepler, Newton là những khuôn mặt tiêu biểu. Và với khoa học hiện đại ra đời, lý tính chiếm lĩnh một vương quốc mới độc lập và tự do cho nó, một khúc quanh vĩ đại của lịch sử văn minh phương Tây. Mặc dù tính chất cách mạng của những khám phá mới, các nhà khoa học mộ đạo vẫn xem đó là kết quả lý tính của sứ mạng thiêng liêng từ buổi đầu cuộc thức tỉnh trí thức: nhận diện cấu trúc thần thánh của thế giới như những thiên khải của trật tự vũ trụ. Newton đã mừng rỡ reo lên: “Ôi Chúa, những điều con nghĩ chính là ý của Ngài”. Đối với họ, khoa học và tôn giáo không hề mâu thuẫn như giới bảo thủ Nhà thờ quan niệm.

Tất cả những điều trên quả thật là phép mầu mà chỉ có xứ sở buổi chiều mới có. Sau 600 năm phát triển, từ Trung cổ đến Phục Hưng, những con người mới đã xuất hiện ở phương Tây với những phẩm chất mới: lý tính, tự-ý thức, tự chủ, tò mò trước thế giới, tự tin trong những phán quyết của mình, nghi ngờ những thứ có tính giáo điều, vì chân lý dám nổi loạn trước quyền uy, tự hào về loài người. Họ đã vượt qua khỏi những giáo điều của Nhà thờ, và quyền uy của học thuật Hy Lạp cổ đại, những chướng ngại vật tưởng chừng như không khuất phục được, để cuối cùng thiết lập nên thế giới quan khoa học mới.

Ngày nay, giáo dục khai phóng vẫn còn in đậm nét lên giáo dục của các quốc gia phương Tây, để mở rộng tầm nhìn, và làm cho con người nhân văn hơn, tự do hơn(1). Trung Quốc hiện đang ráo riết học bài học giáo dục khai phóng phương Tây, để hy vọng làm cho con người biết nhìn xa nghĩ rộng hơn.

[3]

Đại học Trung cổ là một chương vĩ đại, làm cho văn minh châu Âu rất khác biệt với các nền văn minh khác. Đại học, số nhiều, là cả một thế giới, một quyền lực mà các học giả muốn so sánh với quyền lực của Giáo hoàng, hay Đế chế Đức, chi phối và định hình văn minh phương Tây, và cả thế giới. Nhìn lùi lại giai đoạn trước khi có đại học, người ta sẽ thấy một mạch ngầm học thuật tiếp tục hoạt động âm thầm không ngừng nghỉ trong Thời đen tối, kéo dài từ năm 410 Sau Công Nguyên, lúc Roma bị cướp phá, rồi không lâu sau đó sự phá hủy Đại thư viện và Viện bảo tàng Alexandria được Alexander Đại đế xây dựng làm trung tâm học thuật thế giới thay cho Athen, cho đến khoảng năm 1000. Với sự tàn phá Đại thư viện chứa đựng 1000 năm văn minh Hy Lạp, thế giới Hy-La chấm dứt và bóng tối phủ lên thời kỳ Trung cổ.

Image result for monks in monasteries in middle ages

Một cảnh lao động học thuật và chép sách tại các tu viện Trung cổ (Internet)

Nhưng các mảnh vụn học thuật Hy La vẫn tiếp tục được bảo quản và nghiên cứu trong các tu viện bởi các tu sĩ Kitô giáo, như ánh lửa trong đêm tối, cho đến khi đại học có điều kiện bừng dậy, sau đó được tiếp sức bởi cuộc dịch thuật vĩ đại vào những thế kỷ 12 và 13, khôi phục lại toàn bộ di sản khoa học Hy Lạp và cả Ả rập, giúp cho đại học phát triển mạnh mẽ. Giới tu sĩ là những người “trốn chạy” thế giới, nhưng họ lại là những người bằng học thuật dấn thân vào thế giới ở chiều sâu hơn ai hết, góp phần nuôi dưỡng và làm hồi sinh những giá trị học thuật cổ điển, dẫn đến cuộc Phục Hưng thế kỷ 12. Sự phát triển tri thức xuất phát từ các tu viện sang các trường học nhà thờ rồi đến các đại học. Tri thức là một “xâu chuỗi tồn tại” kết lại với nhau từ nhiều thế hệ, dù trong đêm tối vẫn tiếp tục lóe sáng. Chính Newton bày tỏ lòng biết ơn đối với những người trước ông khi ông nói: “Nếu tôi nhìn thấy xa hơn Descartes, thì đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, điều Bernard ở Chartres cũng đã nói 6 thế kỷ trước ông(2). Ông ý thức các nhà khoa học Hy Lạp vĩ đại, những Democritus, Plato, Aristotle, Euclid, Archimedes, Apollonius, Aristarchus, Eratosthenes và Ptolemy, đã góp phần to lớn vào sự hình thành khoa học hiện đại. Nhà kinh tế John Maynard Keynes nhìn thấy xâu chuỗi tồn tại có nguồn gốc sâu thẳm hơn khi ông viết:

Tôi không nhìn ông dưới ánh sáng này… Newton không phải là người đầu tiên của thời đại của lý tính. Ông là người cuối cùng của những thuật sĩ (magicians), người cuối cùng của những người Babylon và Sumer, bộ óc vĩ đại cuối cùng nhìn ra thế giới tri thức và thế giới nhìn thấy được, với cùng con mắt như những người đã bắt đầu xây dựng di sản trí thức của chúng ta sau 10.000 năm trước rất nhiều. Isaac Newton, một đứa con sinh ra mồ côi cha vào ngày Giáng Sinh 1642, là đứa trẻ thần đồng cuối cùng mà các Đạo sĩ có thể đến bày tỏ lòng tôn kính chân thành và thích đáng.”

Mỗi chúng ta hôm nay đang đứng trên vai của trùng trùng điệp điệp những người khổng lồ của bao thế hệ đi trước.

[4]

Vào thế kỷ 16 và kéo dài sang thế kỷ 17, nhiều cuộc “nổi loạn” từ bên trong xảy ra, trong lãnh vực tôn giáo với Cải cách Tin Lành của Luther, Zwingli và Calvin, và trong lãnh vực khoa học với thuyết nhật tâm của Copernice, thách thức quyền lực Nhà thờ Công giáo La Mã dữ dội chưa từng thấy. Các tác nhân đều là những người rất mộ đạo. Thế giới quan của nhà thờ cho đến lúc đó dựa trên quan niệm của Aristotle-Ptolemy để minh họa cho một số điều ghi trong Kinh thánh, theo đó mặt trời xoay quanh trái đất, được chấp nhận như một tín điều bất di bất dịch. Thuyết Copernice là một cuộc chạm trán mặt-đối-mặt, cho rằng các hành tinh, trong đó có trái đất, mới là những thiên thể xoay xung quanh mặt trời và mặt trời đứng yên, chứ không phải mặt trời xoay xung quanh trái đất như mắt thường lầm tưởng. Đây là một điều hết sức “kinh hoàng”. Thuyết Aristotle-Ptolemy đã ngự trị 1500 năm, bỗng nhiên có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Không những nhà thờ La Mã, mà cả các vị lãnh đạo tôn giáo mới Luther, Zwingli và Calvin cũng đều đồng loạt lên án, cho rằng đó là sự “điên rồ” dị giáo. Copernice lúc đó đã mất, chuẩn bị để lại di chúc: chân lý không thể dấu diếm.

Trước tình hình đó, Nhà thờ Công giáo La Mã bắt đầu hủy bỏ chính sách cởi mở trước đây, siết chặt kiểm duyệt và tăng cường trấn áp. Bruno bị thiêu năm 1600. Galilei bị xử năm 1633. Đại học không còn độ khoan dung, mà trở thành các trung tâm bảo thủ. Tinh thần học thuật đích thực đã đi khỏi. Tại nhiều nơi hàn lâm viện được thành lập để thay thế. Tình hình này dẫn đến sự suy thoái học thuật ngày càng nghiêm trọng tại các đại học. Cuộc cách mạng khoa học là “đòn giáng” cuối cùng làm tiêu tan uy tín của chủ nghĩa kinh viện đang thống lĩnh các đại học cho tới lúc đó. Nhà thờ đặt các tác phẩm De Revolutionibus (Các vòng quay) của Copernice và Dialogue (Đối thoại) của Galilei ra “ngoài vòng pháp luật”.

Con người giờ đây nhìn Chúa với một con mắt hoàn toàn mới: Chúa là một kiến trúc sư, một bậc thầy toán học, và một nhà chế tạo đồng hồ tinh tế. Tác phẩm của ngài hoạt động dưới sự chi phối của các định luật khoa học tự chúng mà không cần sự can thiệp của ngài như người ta quan niệm trước đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn khoa học của những nhà khai sáng Hy Lạp thời Iona, thế kỷ 6 Trước CN, tức 2300 năm trước, cho rằng thế giới được cấu tạo theo lý tính và có thể hiểu được. Thật là vĩ đại và tiên tri.

Tại buổi trưa của nền văn minh phương Tây, khoa học và lý tính trở thành động lực mới của phát triển xã hội. Ảnh hưởng của nó là vô cùng to lớn trong tiến trình văn minh sắp tới. Thế kỷ khai sáng tiếp theo, từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, là ánh chớp sáng lòe của cuộc cách mạng khoa học. Từ nguồn cảm hứng của khoa học, hằng loạt ý tưởng mới xuất hiện tác động vào tiến trình phát triển xã hội. Khoa học tự nhiên lan tỏa sang các lãnh vực “khoa học của con người”. Cuộc chiến đấu của các nhà khoa học cho một thế giới quan mới cũng là cuộc chiến đấu cho những giá trị nhân bản khác: tự do tư duy và khoan dung, vốn nằm trong tinh thần của giáo dục khai phóng.

Với chủ nghĩa kinh viện đang mất đi xung lực, và cuộc cách mạng thứ hai hoàn toàn thế tục đang lên thế kỷ 18 ở Anh, cách mạng công nghiệp, đại học đi vào giai đoạn suy tàn, không còn là trung tâm học thuật nữa. Nó sống “khắc khoải”. Nó còn cần thiết nữa không? Tại Đức, là quốc gia có nhiều đại học nhất, dư luận cho rằng nên xóa bỏ đại học và chỉ lập trường chuyên nghề nghiệp dạy những thức hữu dụng phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp. Đó là tình hình đêm trước của một cuộc cách mạng mới. Đại học không thể chết.

⁕⁕⁕

Nhìn sang Đế chế Ottoman Hồi giáo một chút, chúng ta sẽ thấy cùng thời gian cách mạng khoa học ở châu Âu diễn ra, thì tiến bộ khoa học ở đế chế này không tồn tại. Lý do dễ thấy là quyền lực của tôn giáo ở đó ngự trị vô hạn. Thế giới Hồi giáo một thời rất phát đạt học thuật và lòng khoan dung. Chính họ đã dịch những tác phẩm Hy Lạp sang tiếng Ả rập để rồi sau đó các tác phẩm này được dịch vào tiếng La tinh cho đại học châu Âu. Nhưng vào cuối thế kỷ 11, các giáo sĩ Hồi giáo bắt đầu cho rằng việc nghiên cứu triết học Hy Lạp là không phù hợp với Koran. Sự học triết học cổ đại bị cắt bỏ, sách vở bị đốt, và những người có tư duy phóng khoáng bị truy bức, các trường học madrasa trở thành trung tâm của tôn giáo, trong khi ở phương Tây đại học phát đạt về học thuật. Năm 1515, vua Selim I đã đe dọa tử hình những ai sử dụng máy in. Năm 1580, vua ra lệnh phá hủy đài thiên văn Takiyüddīn vừa được xây 5 năm trước. Di sản của Căn nhà Minh triết nổi tiếng một thời của Hồi giáo biến mất trong “đám mây của mộ đạo”. Nửa bán sau thế kỷ 19 mà sinh viên còn nghe giảng: Vũ trụ là một hình cầu và tâm điểm của nó là trái đất … Mặt trời và mặt trăng quay xung quanh địa cầu …

Trong khi đó về quân sự đế chế này rất mạnh và thích đi chiếm đất người khác để làm bá chủ. Năm 1683, đạo quân hùng hậu nhất của họ tiến đến cửa ngõ thủ đô Vienna của Áo đe dọa thế giới Kitô giáo. Nhưng đó cũng là năm tàn của đế chế, sau khi quân họ bị đội quân Kitô giáo đánh bại nặng nề. Đó cũng là thời gian châu Âu đang chuyển mình sâu sắc về tư tưởng khoa học cũng như về tư tưởng thể chế chính trị. Năm 1687, tác phẩm huyền thoại Principia của Newton ra đời, và ba năm sau, tác phẩm The Second Treatise of Government (Luận văn thứ hai về Chính quyền) của bạn ông, John Locke, áp dụng các tư duy lý tính và khoa học vào xã hội. Sự ưu việt của văn minh phương Tây đối với các nền văn minh khác, xét về nhiều phương diện, là không thể đảo ngược.

[5]

Đầu thế kỷ 19 một cuộc cách mạng đại học diễn ra sau giai đoạn trì trệ với mục đích đưa khoa học trở lại đại học. Tác nhân của cuộc cách mạng là sự thất trận của Phổ trước Napoleon năm 1806, và Phổ cần một đại học mới làm hoa tiêu để “lấy sức mạnh tinh thần bù đắp cho những tổn thất vật chất”, làm hồi sinh tinh thần của giới tinh hoa Phổ đang bị chế độ chính trị làm suy sụp. Mô hình đại học nghiên cứu Đức mà Đại học Berlin là hoa tiêu có nhiệm vụ này. Nó xuất phát từ những cái đầu các nhà triết học duy tâm và tân-nhân văn Đức cuối thế kỷ 18, đầu 19, đặt nền móng cho nghiên cứu khoa học để luôn luôn khám phá cái mới. Đó là một tầm nhìn lớn, ngược với thời đại. Giới triết học Đức đã đóng vai trò của các người cha nhà thờ Trung cổ trước kia. Nhưng nếu đại học Trung cổ phát triển với tinh thần khai sáng thì lần này đại học có nhiệm vụ phát triển khoa học, Wissenschaft, có tính cách mạng. Giờ đây, không có khám phá khoa học là không có đại học. Sáng tạo trở thành trào lưu phát triển mới. Người thầy đại học không còn khoác những chiếc áo kinh viện khệ nệ để nhìn về quá khứ mà truyền đạt tri thức như những chân lý bất di bất dịch. Họ phải nhìn về tương lai, tìm kiếm những chân trời mới, và phải là những nhà đổi mới sáng tạo tiên phong để khám phá thế giới mới đang ở phía trước. “Khoa học là cái mãi mãi phải đi tìm”, không bao giờ dứt, theo tinh thần của Humboldt như một tiên đề cho Đại học cải cách Berlin.

Nhưng sự khao khát đổi mới của giới tinh hoa Đức lạ thay lại được phát ngôn bởi một nhà văn trước đó. Năm 1789, nghĩa là 21 năm trước khi Đại học Berlin ra đời, đại văn hào Friedrich Schiller trong bài giảng nhậm chức ở Đại học Jena về đề tài “lịch sử thế giới” đã đưa ra hai khái niệm tương phản nhau về học giả: một loại ông gọi là Brotgelehrter, “học giả bánh mì”, và một loại là “philosophischer Kopf”, “cái đầu triết học”, một nhà nghiên cứu toàn diện và hệ thống, và học giả đầu chỉ là người góp nhặt tri thức “xếp hàng dài”, nói theo Humboldt, không được thúc đẩy bởi những động cơ nghiên cứu của đại học và sợ hãi trước những cái mới, trước ánh sáng, muốn tự cô lập mình, chỉ muốn bám vào một hệ thống phường hội cũ kỹ và những quyền lợi của nó tạo ra, hơn là một “cái đầu triết học”, “cái đầu tư duy” không ngừng nghiên cứu ở các biên giới mới của khoa học, yêu chân lý mới hơn yêu hệ thống, lấy khám phá làm niềm vui. Với những “học giả bánh mì”, dòng chảy lịch sử sẽ bị bế tắc. Schiller cảm nhận, đại học cũ đang xơ cứng và tàn lụi, và một sự cải cách là rất cần thiết và cấp bách, với những học giả có cái đầu khám phá. Tinh thần của Schiller cũng giống tinh thần của nhà khai sáng Lessing: việc nắm giữ chân lý không quan trọng bằng việc đi tìm chân lý, điều được Einstein nhắc đi nhắc lại để làm gương cho chính mình.

Schiller kết thúc bài giảng lịch sử của mình, bài giảng mà 400 trong số 800 sinh viên của Đại học Jena đến nghe, bằng lời kêu gọi thiết tha trách nhiệm của thế hệ đang sống, của các trí thức, học giả, đối với lịch sử và các thế hệ mai sau:

Các thời đại trước đã nỗ lực tạo ra thế kỷ con người của chúng ta, mà không cần biết hay nhắm tới. Tất cả của cải kho báu mà sự cần cù và tài năng thiên phú, lý tính và kinh nghiệm đã tích lũy kinh qua cuộc đời dài của thế giới cuối cùng đã được mang về cho chúng ta. Chỉ từ sự hiểu biết lịch sử, các bạn sẽ học đánh giá các tài sản này, những cái mà thói quen và sự sở hữu không cần giành lấy đã làm cho chúng ta vô ơn. Những tài sản quý báu và đắt giá thắm máu của những con người tài giỏi nhất và cao quý nhất đã phải được giành lấy bằng lao động cực nhọc của vô số các thế hệ! Và ai trong các bạn, với sự kết hợp giữa trí tuệ sáng sủa và trái tim nhạy cảm, có thể nghĩ đến trách nhiệm cao cả này mà không thấy dậy lên ý muốn âm thầm trả món nợ cho thế hệ tương lai, món nợ mà anh ta không thể trả cho quá khứ? Một khao khát cao quý phải cháy bỏng trong chúng ta để chúng ta đóng góp tất cả những gì có thể làm được vào di sản giàu có của chân lý, đạo lý và tự do mà các thời đại trước đây đã truyền lại chúng ta, và những thứ đó phải được truyền tiếp xa hơn, giàu có hơn, đến các thời đại sắp đến – một sự khao khát để kết chặt sự tồn tại phù du của chúng ta vào sợi chuỗi bất tử xâu lại tất cả thế hệ của nhân loại với nhau. Tiếng gọi dù có khác nhau thế nào đang chờ đợi các bạn trong xã hội tư sản, tất cả mọi người trong các bạn đều có thể đóng góp cái gì đó! Mỗi thành tựu đều dẫn đến cánh cửa của sự bất tử, tôi muốn nói sự bất tử đích thực, nơi các hành động vẫn sống tiếp, và giục giã đi tới, ngay cả khi tên tuổi của người sáng tạo có thể bị bỏ lại phía sau.

Bài giảng của ông giống như một “Tuyên ngôn” đậm chất nhân bản của một nền đại học mới với hình mẫu của một loại nhà khoa học mới trong thời đại mới, tiên liệu những gì sẽ xảy ra với Đại học nghiên cứu Đức hai thập niên sau. Với mệnh lệnh đạo đức trước lịch sử, Schiller đã đặt thêm nền tảng thứ hai cho đại học nghiên cứu. Nghiên cứu và khám phá cũng là trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ hiện tại đối với lịch sử và đời sau, cho sự tiến bộ và tồn vong của nhân loại. Và thời đại cải cách của đại học nghiên cứu đã đến với Đại học Berlin, đúng như điều Schiller linh cảm.

[6]

Cũng chính trong tinh thần nghiên cứu khám phá của thời đại đang dậy men mạnh mẽ mà, chỉ sau vài thập niên sau thôi, triết học Đức đã phải chanh chóng chuyển vai trò lãnh đạo tinh thần của mình sang các ngành khoa học tự nhiên và thực nghiệm đang phát triển mạnh mẽ trên đường chinh phục thế giới. Đó là một cuộc thay ca lịch sử, một khúc quanh hết sức ngoạn mục. Thực tế, triết học Đức, lúc đó đang đứng trên đỉnh cao thế giới, với các tư biện trừu tượng của nó, không còn thỏa mãn khoa học tự nhiên chính xác nữa.

Lịch sử đã một lần chứng kiến sự chia tay giữa triết học và khoa học, bất lợi cho khoa học. Nếu thời Plato-Aristotle, khoa học đã có vai trò trung tâm của triết học và các mối quan tâm của xã hội, thì đến thời Hy Lạp hóa, từ thế kỷ thứ 3 TCN trở đi, khoa học dần bị đẩy ra vùng biên của dòng chảy chính của triết học đang dành cho các mối quan tâm siêu hình học, tôn giáo và đạo đức, và khoa học hẳn nhiên bị suy giảm. Nhưng giờ đây, sau cuộc chia tay giữa thế kỷ 19, khoa học đã trở thành dòng chảy chính, ngày càng phát triển như trong cơn “thôi thúc và giông bão”, giành được ý nghĩa ngày càng to lớn trong đời sống các dân tộc. Ngay cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng phát triển theo. Nếu Kant bảo rằng, khoa học là tri thức được tổ chức, thì giờ đây, khoa học được tổ chức trong các đại học lớn như những cổ máy nghiên cứu, và Đức dần dần tiến lên vai trò “bá chủ” khoa học.

Điều thú vị đặc biệt là, nếu Wilhelm von Humboldt là người sáng lập ra đại học nghiên cứu Berlin trong tinh thần mới khám phá, thì chính em của ông, Alexander von Humboldt, là người cha đỡ đầu cho các ngành khoa học hiện đại đang thực hiện những cuộc khám phá ngoạn mục đặt nền móng cho khoa học thế kỷ 20(3). Bản thân Alexander trước tiên và trên hết là nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên hàng đầu thế giới có rất nhiều ảnh hưởng ở thời đại ông, cho nên hoàn toàn có đầy đủ uy tín khoa học, và cả nhân cách, nhận được đầy đủ sự kính phục của các nhà khoa học trong và ngoài nước, để lãnh đạo một thời đại mới, và ông là người có tiếng nói thuyết phục và ảnh hưởng nhất đối với Vua trong việc cải tổ chính sách phát triển nghiên cứu khoa học. Lúc đó, nền khoa học Đức bắt đầu một cuộc hồi sinh và tìm lại tên tuổi mình đã bị lu mờ, trên một đất nước có tiềm năng khoa học xuất chúng trong con người nhưng chưa có nền khoa học quốc gia xuất chúng, chỉ vì chế độ chính trị quân chủ quá lạc hậu, khiến cho cả nền kinh tế, chính trị và khoa học lạc hậu theo, điều đã dẫn đến sự bại trận chua cay và tủi nhục trước quân đội của Napoleon chỉ trong một đêm.

[7]

Mô hình đại học nghiên cứu Đức sau đó lan tỏa khắp thế giới, đặc biệt sang Hoa Kỳ vào những thập niên cuối thế kỷ 19 sau cuộc Nội chiến, và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Một trăm năm sau Humboldt, vị chủ tịch huyền thoại của Đại học Harvard, Charles W. Eliot, đã diễn tả vai trò của đại học nghiên cứu như sau:

[Đại học nghiên cứu] không thể thiếu vì hai lý do: thứ nhất, bởi vì một đại học nếu không phải là chỗ tốt để nghiên cứu thì không thế tiếp tục lâu dài là chỗ tốt để giảng dạy; và thứ hai, bởi vì việc đi tìm chân lý không ngừng, âm thầm và tập trung vào mục đích đó thôi là điều kiện của cả hai, sự tiến bộ vật chất lẫn tri thức.

Nhưng rực rỡ nhất là sự phát triển trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai, với bản kiến nghị của vị cố vấn khoa học Vannevar Bush (1890-1974) có con mắt nhìn thấu suốt thời đại đệ trình cho tổng thống Truman, theo đó nghiên cứu khoa học cơ bản có vai trò hàng đầu trong việc phát triển sự phồn vinh và quốc phòng quốc gia, và phải được thực hiện tại các đại học nghiên cứu Mỹ, hoàn toàn phù hợp với tinh thần đại học nghiên cứu Humboldt giúp cho Hoa Kỳ trở thành bá chủ về khoa học và học thuật sau đó. Nguyên chủ tịch Đại học Stanford, Gerald Casper, kể lại rằng, ông đã lãnh đạo Stanford hai nhiệm kỳ đúng theo tinh thần được Humboldt thảo ra trong vị vong lục năm 1810 để đạt đỉnh cao về trác việt học thuật lẫn về công nghệ cao được thể hiện thông qua Thung lũng Silicon nơi đang tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp số và thông tin vĩ đại chưa từng có.

Trong khi đại học là di sản của châu Âu Trung cổ, thì tự do học thuật là di sản của các đại học Đức: Lehrfreiheit, tự do dạy, và Lernfreiheit, tự do học, khí trời của đại học nghiên cứu mới, một đòi hỏi chính thức cao hơn ở các đại học Trung cổ. Nhà nước, vì lợi ích của mình và của xã hội, nên cần biết giữ khoảng cách với đại học để đừng làm tổn hại nó. Chỉ như thế đại học mới phục vụ xã hội đắc lực, hơn cả nhà nước nghỉ. Nhà bác học Helmholtz minh họa: “Người ta chỉ có thể chiếm được sự thuyết phục tự nguyện của học trò khi sự diễn tả tự do của người thầy cho những điều ông tin tưởng được bảo đảm, đó là sự tự do giảng dạy”. Nhà triết học Paulsen chi tiết hơn: “Nội dung của giảng dạy không bị ra lệnh cho người thầy hàn lâm; ông ta với tư cách nhà nghiên cứu, không bị ràng buộc bởi quyền uy nào; ông ta tự trả lời cho các bài giảng ông, và không chịu trách nhiệm trước ai cả. Đối diện ông là người sinh viên với tự do đầy đủ để chấp nhận hay từ chối.”

Người Mỹ khám phá loại tự do học thuật này một cách thích thú và nồng nhiệt, như một loại “phúc âm” mới, và truyền bá nó mạnh mẽ xuyên khắp các đại học của họ. Một dân tộc vốn yêu tự do nồng nàn, giờ đây nhận ra tự do học thuật là quan trọng dường nào trong việc phát triển đại học nghiên cứu mà họ tiếp thu từ Đức. Charles W. Eliot trong bài diễn văn nhậm chức năm 1869 đã diễn tả một cách hùng hồn:

Một đại học phải là bản địa; nó phải giàu có; nhưng trên hết, nó phải tự do. […] Một không khí tự do trí thức là khí trời bản địa của văn học và khoa học. Đại học này khao khát phụng sự quốc gia bằng việc rèn luyện con người đức tính trung thực trí thức và sự độc lập tinh thần. Đại học đòi hỏi tất cả các người thầy của nó cần có thái độ nghiêm túc, tôn kính và tinh thần cao cả; nhưng đại học để cho họ, cũng như học trò họ, tự do. Một đại học không phải được thành lập bởi một giáo phái, mà bởi một quốc gia. (nhấn mạnh của tôi)

Người Mỹ, có lẽ hơn ai hết sau người Đức, biết nuôi dưỡng đại học nghiên cứu theo tinh thần của “Phúc âm” mới, để cuối cùng Phúc âm sinh ra Phúc lợi, hơn cả mọi sự chờ đợi, điều đã được Humboldt tiên liệu trong bị vong lục của mình.

[8]

Các người cha tinh thần nói gì về đại học và vai trò của nó, kéo dài từ đầu thế kỷ 19 với Humboldt, Schleiermacher, Schelling, Fichte, Hegel, đến các học giả Paulsen, Jaspers, Habernas, đầu thế kỷ 20, và gần nhất nửa sau thế kỷ 20, Kerr, nhà lãnh đạo giáo dục Hoa Kỳ hàng đầu, người thực hiện chương trình thiết kế tổng thể vĩ đại nền đại học California thời hậu chiến; ở Nhật Bản, đại học Đức được du nhập thời Minh Trị Duy tân để khẩn cấp tạo ra một Nhật Bản mới; ở Trung Quốc có Thái Nguyên Bồi từng du nhập mô hình đại học Humboldt vào Đại học Bắc Kinh; ở VN có Hồ Đắc Di, người có những tư tưởng đại học giống Humboldt; rồi đến những nhà lãnh đạo giáo dục đại học của Hoa Kỳ như Kerr, Levin, Casper, Wildavsky, và Donald Kennedy. Họ nói gì về vai trò của Đại học?

Tại sao bao nhiêu tinh hoa nhân loại để tâm bàn luận và xây dựng đại học? Hãy nghe ý kiến của Clark Kerr, gần gũi nhất với chúng ta, xuất phát từ đất nước hiện nay giáo dục đại học như ngọn hải đăng tỏa sáng:

Sự phồn vinh của các quốc gia giờ đây tùy thuộc vào sự thực hiện giáo dục đại học chưa lúc nào như trước đây, qua sự đóng góp của nó vào việc xây dựng nguồn nhân lực và tri thức tích lũy; và cũng như thế đối với sự cạnh tranh quân sự giữa các cường quốc – là vấn đề sống còn, tiềm tàng và theo nghĩa đen. Sức mạnh chính trị của các quốc gia bây giờ cũng lệ thuộc vào giáo dục đại học, hơn bao giờ hết, để giúp tạo ra các cơ hội lớn cho nhân dân, và để giúp dỡ bỏ các ranh giới giai cấp còn di lại từ quá khứ.

Ngày nay, đại học không còn là tài sản riêng của một quốc gia. Giáo dục đại học tiến lên trở thành giáo dục mang tính toàn cầu, tri thức thành tri thức phổ quát, con người thành công dân thế giới, một khái niệm đã được nhà triết học Hy Lạp Diogenes đưa ra 2400 năm trước. Văn hóa bản địa với những nét đặc trưng của nó vốn là những tài sản quý báu chỉ tô thắm thêm văn hóa toàn cầu, chứ không phải bị từ bỏ bởi những công dân của nó. Những người Hy Lạp cổ đại đã từ lâu nhận thức rằng, sự gặp gỡ các nền văn hóa khác là phần quan trọng của cuộc đời tự xem xét lại, và cũng như thế, giáo dục phải phát triển được năng lực dám xem lại những cái tốt còn chưa hợp lý theo cách cũ để tìm đến những cái tốt phổ cập hơn trên thế giới. Giáo dục đại học là làm cho con người bản địa gần gũi với con người thế giới, con người nhân loại, để một quốc gia không phải là phần ‘tha hương’ (exile) của nhân loại, mà chính là một bộ phận hòa hợp hữu cơ trong đó, để sức mạnh của nhân loại cũng là sức mạnh của quốc gia. Cho nên đại học là cửa mở sang thế giới rộng lớn của nhân loại để hòa nhập.

Các đại học tinh hoa đang phủ thế giới như một dải thiên hà với hào quang sáng chói của nó trải dài từ Đông sang Tây mà con người có thể ngắm nhìn và ngưỡng mộ. Đó là những trung tâm sáng tạo đổi mới, và thông qua hiệu ứng “spin-off” trực tiếp hay gián tiếp, có những tác động khôn lường lên nền kinh tế và quốc phòng. Thung lũng Silicon, trung tâm các công nghệ mới nhất của thời đại số và internet, không thể hình dung được nếu không có Đại học Stanford, UC Berkeley và chùm đại học khác của California.

Làm sao không viết về Đại học khi châu Á đang trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ và các quốc gia phát triển đang đẩy nhanh các đại học chính của họ lên tầm đẳng cấp thế giới? Từ Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Thái Lan đến Hàn Quốc (Nhật Bản thì từ lâu rồi), rồi đến Trung Quốc hiện nay. Các nhà lãnh đạo đã đang thức tỉnh và hiểu sâu xa vai trò vô cùng quan trọng của công cụ tri thức này đối với tương lai, vận mệnh của quốc gia, sáng tạo ra công nghệ mới, đào tạo nhân sự lãnh đạo trong mọi lãnh vực xã hội, từ kinh tế, văn hóa đến chính trị, và của nền kinh tế và quốc phòng cạnh tranh. Và làm sao không viết được về đại học khi đại học Việt Nam đang vẫn còn khoảng cách với dòng chảy chính của đại học thế giới, chưa xứng tầm với tiềm năng trí tuệ của dân tộc, và đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa đất nước?

Khác với phương Tây, xã hội phương Đông có ít lý tính hơn để phát triển do ảnh hưởng của chế độ phong kiến chuyên chính và Khổng giáo quá lâu. Đó là cái giá lớn sẽ phải trả. Nhà triết học Friedrich Nietzsche từng cho rằng châu Á chưa phải là “trường học của lý tính”. Trong bài “Lý tính trong trường học” (Die Vernunft in der Schule) năm 1878 (trong tập Menschliches, Allzumenschliches), ông viết về sự khác biệt của giáo dục khai phóng giữa hai nền văn hóa:

Trường học không có nhiệm vụ nào quan trọng cho bằng nhiệm vụ dạy cách tư duy chặt chẽ, phán đoán thận trọng và kết luận lôgic. Cho nên trường học phải loại bỏ tất cả những gì không thích hợp với các thao tác này… Nó phải dự trù rằng sau này sự mơ hồ của con người, thói quen và ham muốn sẽ làm giảm đi khả năng tư duy chặt chẽ. Tuy nhiên bao lâu ảnh hưởng của nó còn cho phép, trường học cần phải dạy cho được điều cơ bản và trội bật ở con người sau đây: ‹Lý tính và Khoa học, như khả năng tri thức cao nhất của con người› như ít nhất Goethe nhận định. – Nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên von Baer nhận thấy tính ưu việt của người châu Âu so với người châu Á về năng lực được giáo dục ở nhà trường, rằng họ có thể đưa ra những lý lẽ để biện minh cho điều họ tin, trong khi những người kia hoàn toàn không có khả năng. Châu Âu đã trải qua trường học của tư duy lôgic và có tính phê phán, trong khi châu Á vẫn chưa phân biệt được giữa Sự thật và Thi ca, và chưa ý thức được niềm tin của mình có phải là kết quả từ sự quan sát riêng và cách tư duy đúng đắn, hay là từ những sự tưởng tượng mơ hồ cảm tính (phantasy). Lý tính trong trường học đã làm cho châu Âu trở thành châu Âu: trong thời Trung cổ nó đã có nguy cơ biến thành một mảnh đất và một phần phụ thuộc của châu Á – nghĩa là mất mát tinh thần khoa học mà nó đã học được từ những người Hy Lạp.

Nhưng lý tính và khoa học là những thứ con người đều có thể học và rèn luyện được. Các quốc gia xung quanh đã và đang thay đổi văn hóa của họ với nhiều lý tính hơn và phát triển đầy xung lực.

[9]

Quyển sách ĐẠI HỌC mong mỏi truyền đạt được ý tưởng và tinh thần đích thực của đại học đến những ai quan tâm đến vận mệnh của giáo dục nước nhà, và gắn liền nó là vận mệnh của quốc gia. Đại học thực sự từ lâu đã là nguồn nguyên khí quốc gia. Đại học Leiden của Hà Lan, Đại học Berlin của Phổ, chùm đại học của Hoa Kỳ trong phong trào giao đất sau cuộc Nội chiến, Đại học Tokyo của Nhật Bản, Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, đó là những thí dụ nổi bật của sự ra đời các đại học để chấn hưng đất nước sau những tổn thất to lớn hay tụt hậu. Không thể “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà không có đại học hiện đại phát triển. Ý nghĩa của đại học quá vĩ đại để chúng ta không quan tâm và am tường nó. Lịch sử đại học rất xứng đáng là môn học khai phóng tại các đại học Việt Nam, cũng như lịch sử khoa học, những chủ đề gắn liền với lịch sử văn minh phương Tây và có ảnh hưởng định mệnh lên toàn thế giới.

Lịch sử đại học còn minh họa sinh động “khí chất” của các dân tộc phương Tây, và khí chất là điều cốt lõi mà nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi muốn truyền đạt cho dân tộc Nhật Bản làm gương trong quyển sách nổi tiếng Văn minh luận của ông. Nhưng ông chưa lột tả được khí chất đó một cách thuyết phục. Ông linh cảm có sự thiếu sót mà lý là do sự bất cập về tư liệu thời bấy giờ, và hy vọng lỗ hổng sẽ được các thế hệ sau lấp đầy. ĐẠI HỌC là sự tiếp nối tinh thần khai sáng của ông.

Quyển sách ĐẠI HỌC dầy 570 trang, tưởng chừng là nhiều, nhưng ngần ấy trang cho sự phát triển 900 năm đại học trên các châu lục là còn khiêm tốn. Một tác phẩm về Đại học châu Âu thời Trung cổ thôi đã chiếm 1574 trang, rút gọn lại thành một tập cũng 550 trang. Các tác phẩm lịch sử đại học của Hoa Kỳ, trải dài một khung thời gian gần 4 thế kỷ từ lúc Harvard ra đời năm 1636, cũng dầy như thế. Một tác phẩm mới nhất về đại học thế giới, 2017, bắt đầu từ thời điểm Đại học nghiên cứu Đức đến hiện tại, đã gồm 2 tập, dầy tổng cộng trên 1300 trang. Đề tài Tự do học thuật của một quyển sách cũng chiếm tới 500 trang. Một quyển lịch sử Đại học thế kỷ 20, từ tinh hoa đến đại chúng, chiếm 600 trang. Các độ dầy ấy phản ảnh tầm quan trọng lớn lao của đại học, và tính chất nghiên cứu học thuật của các học giả để cung cấp bức tranh ba chiều sống động của đại học. Quyển ĐẠI HỌC của chúng tôi cũng nằm trong mạch đó. Di sản của đại học là vô cùng đồ sộ. Muốn hiểu, và thấm nhuần nó, cần phải đọc nhiều về nó. Chúng ta muốn cải cách, thay đổi đại học tốt hơn, không thể nào không có tri thức về đại học, và thấm nhuần tinh thần của nó. Như Karl Jaspers nói, “Chỉ có ai mang trong mình ý niệm đại học, người đó mới có thể tư duy và hành động đúng theo sự việc cho đại học. Ai không như thế, người ấy chỉ nhìn thấy một bộ máy… Bộ máy này được cải trang bằng những lời lẽ hùng hồn truyền thống”. “Xa lộ” Đại học đã được mở rộng từ lâu cho mọi người để chia sẻ tri thức và minh triết xây dựng quốc gia. Hãy tìm, và lắng nghe, sẽ thấy. Hiểu biết sâu sắc để dẫn tới hành động mạnh mẽ. Kết nối, networking, và hợp tác là khẩu hiệu của thời đại.

Cuối cùng chúng ta hãy nghe nhà khai sáng Fukuzawa nói về vai trò của văn hóa và văn minh:

Các anh hùng của quá khứ phải dùng đến sức mạnh quân sự để nới rộng ảnh hưởng chính trị của họ. Nhưng chúng ta, những người đồng chí hướng trong sự học, sẽ sử dụng văn hóa để dẫn dắt nhân dân. Với ảnh hưởng của văn hóa, chúng ta hãy làm cho mọi người chia sẻ với nhau trong ánh hào quang của văn minh. Đây là lãnh vực vĩ đại của tương lai. Tâm hồn già đi của tôi sẽ cầu nguyện cho sự cường tráng và sức khỏe của thể lực và tinh thần các bạn. Không bao giờ đầu hàng trước những gian khổ mà các bạn sẽ gặp phải.

[Trong diễn văn khai mạc của khoa các ngôn ngữ và văn minh phương Tây của Đại học Keiō Gijuku năm 1890. Trường này bắt đầu là một trường giáo dục tổng quát nhấn mạnh vào các ngôn ngữ và văn minh phương Tây. Fukuzawa có may mắn quen biết và thuê được nhiều giáo sư Mỹ do chính chủ tịch Charles W. Eliot của Harvard chọn. Đó là sự liên hệ với một đại học đẳng cấp Mỹ ngay từ đầu, tạo cho Keiō uy tín lớn, chỉ đứng sau trường Đại học Tokyo, cũng là trường có rất nhiều giáo sư ngoại quốc.]

Chính Humboldt cho rằng đại học là đỉnh cao tập trung của văn hóa. Đại học chính là nơi đổi mới sáng tạo văn hóa. Chúng ta không thể có một nền văn hóa tiên tiến nếu không có những đại học tiên tiến hàng đầu kết nối với cộng đồng đại học thế giới.

[10]

Tôi chân thành cám ơn các học giả, nhà nghiên cứu xa gần đã cho dành thì giờ quý báu viết những lời khen tặng hơn cả chờ đợi để giúp cho ĐẠI HỌC có thêm xung lực khi ra mắt, để đến tay nhiều đọc giả hơn, đặc biệt trong giới trí thức, nhà nghiên cứu giáo dục và nhà làm chính sách, vì một nền đại học phát triển của nước nhà. Tôi cũng mong mỏi có thêm nhiều bàn tay tiếp sức khác, giúp cho tinh thần đại học được lan tỏa rộng rãi.

Cuối hết, với ĐẠI HỌC, tôi hy vọng đã truyền đạt được một phần rất khiêm tốn tri thức của phương Tây vào Việt Nam, cùng với niềm cảm hứng của nó tạo ra cho những người quan tâm đến giáo dục đại học, hay cả chưa quan tâm, đúng theo tinh thần của các keimō, các nhà khai sáng Nhật Bản 150 năm trước, những người ngay từ đầu của cuộc Cải cách Minh Trị đã đồng loạt đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu là “đi tìm kiếm tri thức khắp nơi trên thế giới” như được khắc ghi trong Năm điều thề ước năm 1868 của giới tinh hoa, thiết thực, sâu rộng, có định hướng và cấp bách, với mục đích tối hậu là từ đó xây dựng tốc hành một quốc gia mới cường thịnh để mãi mãi trường tồn dưới ánh mặt trời được nhìn nhận là một dân tộc văn minh và bình đẵng trong cộng đồng các dân tộc văn minh thế giới.

NXX

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019

Sách ĐẠI HỌC, Nxb Tổng hợp Thành phố, dầy 570 trang, giá bìa 185.000 đồng

C:\Users\HP\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCacheContent.Word\bia Tinh than Dai hoc bia 4-Final_XP.JPG

Bìa sau của sách

Xem đầy đủ những lời khen tặng

MỤC LỤC 
ĐẠI HỌC

Lời nói đầu 2018 – Tổng quan

PHẦN 1 LỊCH SỬ

1. Lịch sử Đại học:

▪Mở đầu
▪Đại học Trung cổ
▪Đại học Berlin
▪Ảnh hưởng▪ Đại học thế giới
▪Đại học ngày nay
▪Đại học Việt Nam
▪Phần kết

2. Trung Hoa và Nhật Bản: Sự du nhập Đại học Đức
3. Humboldt hay Huyền thoại? Và cuộc thay ca lịch sử giữa triết học và khoa học tự nhiên
4. Ghi chép nghiên cứu: Humboldt – Hegel – Adorno − Arendt – Oppenheimer − Chomsky
5. Về nguồn gốc và vai trò của đại học (Diễn từ)
6. Đại học và lý tính thời Trung cổ
7. Trường học của lý tính

PHẦN 2 TƯ LIỆU LỊCH SỬ

8. Werner Jaeger, Paideia hay là Giáo dục Hy Lạp cổ đại
9. Wilhelm von Humboldt, Tinh thần và cơ cấu tổ chức của các thể chế khoa học cao ở Berlin.                 Nguyễn Tiến Bình và Nguyễn Xuân Xanh dịch.
10. Gerhard Casper, Ưu điểm của Đại học Nghiên-cứu-tập-trung & Đại học của thế kỷ 21. Trương             Văn Tân và Nguyễn Xuân Xanh dịch.
11. Friedrich Schleiermacher, Những ý tưởng tình cờ về Đại học theo nghĩa Đức
12. Johann D. Michaelis, Về tầm quan trọng của Đại học Tin lành trong nước Đức
13. Friedrich Paulsen, Tự do dạy − Niềm tự hào của Đại học Đức
14. Karl Jaspers, Ý niệm Đại học
15. Jürgen Habermas, Ý niệm Đại học
16. Clark Kerr, Ý niệm Đa đại học

PHẦN 3 TIỂU LUẬN

17. Cho Clark Kerr, Các công dụng của Đại học:

▪Đại học Hoa Kỳ − Những chặn đường phát triển
▪Clark Kerr – Một tiểu sử
▪College Hoa Kỳ − Sự ra đời và sứ mạng của nó

18. Richard C. Levin, Sự trỗi dậy của các Đại học châu Á. Phạm Thị Ly dịch
19. Cho Ben Vildavsky, Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại
20. Cho Donald Kennedy, Nghĩa vụ học thuật

HẾT

Chúc Anh Chị ngày vui!

X