Miễn, giảm thuế – ‘máy trợ thở’ cứu doanh nghiệp

Các chính sách giãn, giảm thậm chí miễn thuế cần được ban hành ngay quý II, khi những tác động từ dịch tới doanh nghiệp, người lao động đã rất nặng nề.


Hiện nay gói hỗ trợ tài khoá 180.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính đề xuất mới hướng tới giãn thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng. Hơn nữa, gói này cũng chưa có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân đang “kiệt quệ” từng ngày trước sự ảnh hưởng của đại dịch.

Ba tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động của Covid-19. Tính từ ngày 1/1 đến 26/3, hơn 153.000 người đã mất việc làm, phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp vừa đề xuất với Bộ Tài chính thêm loạt chính sách miễn, giảm thuế cho những ngành nghề, lĩnh vực chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch như dệt may; da giày; điện tử; chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản; công nghiệp phụ trợ; hàng không; dịch vụ; du lịch; khách sạn…


Hàng loạt hàng quán tại Hà Nội dừng hoạt động sau lệnh đóng cửa nhằm ngăn chặn Covid-19. Ảnh: Giang Huy.

Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam rất đồng tình với đề xuất miễn, giảm thuế từ các Bộ, ngành, địa phương. Song bà Cúc cho rằng, quyết định gia hạn, miễn, giảm mỗi sắc thuế đều phải tính tới hiệu quả triển khai trong thực tế.

Theo bà Cúc, giải pháp đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lúc này không khả thi do doanh thu của doanh nghiệp giảm, thậm chí không có. Còn chi phí vẫn tăng do phải duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động. “Nếu dịch kéo dài doanh nghiệp sẽ thua lỗ không có thuế thu nhập doanh nghiệp để mà được miễn giảm”, bà Cúc nhận xét.

Vị chuyên gia này cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân khi Chính phủ đang lên phương án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị mất việc làm. “Hàng trăm nghìn lao động không có việc làm, không có lương, liệu họ có phát sinh thu nhập tính thuế không?”, bà Cúc đặt câu hỏi.

Theo bà Cúc, việc cần làm lúc này là miễn, giảm mức thuế giá trị gia tăng. “Thuế này nằm trong giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nên dù có thua lỗ nhưng cứ có phát sinh doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ phát sinh tiền thuế”, bà Cúc cho biết.

Ngoài ra, bà Cúc cho rằng trong điều kiện ngân sách có hạn, Chính phủ đã kêu gọi nhiều khoản đóng góp từ doanh nghiệp và người dân nhằm bổ sung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Song điều khiến bà băn khoăn là những khoản đóng góp đó với các cá nhân được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chi phí khắc phục hậu quả của thiên tai như bão lụt, sóng thần, ngập mặn mới được hạch toán vào chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, về dịch bệnh hiện chưa có.

“Nếu doanh nghiệp có tinh thần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với Chính phủ khi xảy ra dịch thì chi phí nên được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, bà Cúc đề xuất.

Tương tự, GS. TS. Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị, những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch cần được khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định phát sinh khi mở rộng quy mô sản xuất vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Ông Thành cũng mong muốn các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch được hoàn 100% thuế giá trị gia tăng đầu vào. Đồng thời, thực hiện miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa phục vụ chống dịch hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp và người dân mong mỏi là khi nào các chính sách này mới có hiệu lực khi sức chịu đựng của họ gần như cạn kiệt.

Trước lo ngại về độ trễ của các chính sách miễn, giảm thuế, ông Thành đề xuất Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách này ngay trong quý II. Bởi nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II sẽ có trên 250.000 lao động mất việc làm và hơn 1,5 triệu lao động bị ngừng việc, theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp về thuế của Chính phủ và Quốc hội, hiện có nhiều loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ, ngành.

Ví dụ, với ngành hàng không, mỗi ngày chỉ có một chuyến bay từ Hà Nội tới TP HCM và ngược lại nên chi phí soi chiếu an ninh, chi phí hạ, cất cánh, phí phục vụ mặt đất cần được xem xét giảm thiểu.

“Các doanh nghiệp ngành hàng không chắc chắn là đã lỗ rồi, Bộ Giao thông Vận tải phải cố gắng khắc phục khó khăn tính toán phương án giảm phí, giảm lỗ cho doanh nghiệp”, bà Cúc kiến nghị.

*Nguồn: Vnexpress

Chúc Anh Chị ngày vui!

X